XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI XÃ ĐÔNG LỖ HUYỆN ỨNG HÒA THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở xã Đông Lỗ, Ứng Hòa, Hà Nội
Xã Đông Lỗ (Ứng Hòa, Hà Nội) đã đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM), giai đoạn năm 2011-2015. Hiện, nguồn thu nhập chính trong xã chủ yếu là nông nghiệp với 61%. Quá trình xây dựng NTM tại địa phương cũng đã cho thấy nhiều kinh nghiệm hay, bổ ích.
Xã Đông Lỗ, bước vào thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân”, Đông Lỗ được Ban chỉ đạo xây dựng NTM huyện Ứng Hòa chọn vào top 9 xã giai đoạn 1 (2011-2015). Xuất phát điểm của xã khi xây dựng NTM rất thấp, cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm, trụ sở) đều xuống cấp trầm trọng.
Tuy nhiên, sau khi bắt tay thực hiện xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn của xã đã có nhiều thay đổi theo chiều hướng tích cực. Đời sống khởi sắc, đi lên, thu nhập bình quân từ 9 triệu đồng/người/năm (2010) tăng lên 30,9 triệu đồng/người/năm (2018);
– Cơ cấu kinh tế: + Nông nghiệp: 46,1%
+ Công nghiệp, TTCN, xây dựng: 31,5%;
+ Thương mại dịch vụ: 22,4%.
Thu nhập bình quân đầu người đạt 30,9 triệu đồng/người/năm.
Tổng diện tích chuyển đổi đa canh là 92 ha. Tổng giá trị thu nhập/ha: 120.000.000 đồng/ha/năm. Có 6/6 thôn đã dồn điền đổi thửa xong. 6/6 thôn đạt làng văn hóa, 6 cơ quan đơn vị đạt chuẩn văn hóa. Làng nghề Đào Xá – sản xuất nhạc cụ âm nhạc truyền thống – được thành phố công nhận và duy trì. Xây dựng kiên cố hóa trạm y tế và duy trì đạt chuẩn Quốc gia về Y tế và 3 cấp trường đạt chuẩn Quốc gia, trụ sở làm việc khang trang, đường bê tông liên thôn liên xóm, 5km mương tưới tiêu được cứng hóa. Hộ nghèo giảm xuống từ 26% (2010) còn 2,0% (2018).
Có được sự thành công và kết quả đáng khích lệ trên, đó là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM Thành phố và Huyện, sự đoàn kết nhất trí cao trong toàn Đảng bộ, HĐND, UBND xã, và sự vào cuộc cả hệ thống chính trị từ xã xuống thôn, được sự ủng hộ nhiệt tình của bà con nhân dân địa phương cũng như tấm lòng hảo tâm của con em quê hương đang công tác trên mọi miền tổ quốc và cả ở nước ngoài và các doanh nghiệp.
Kinh nghiệm xây dựng NTM trên địa bàn xã cho thấy, thành công tiên quyết là từ cách làm minh bạch, công khai, thông qua ý kiến toàn dân. Bất cứ một nội dung nào liên quan tới xây dựng NTM được triển khai tại xã, chính quyền địa phương đều có khảo sát đánh giá, xây dựng kế hoạch đầu tư từng giai đoạn. Việc chọn lựa cái nào làm trước, cái nào làm sau đều được công khai, lấy ý kiến rộng rãi. Thêm vào đó, thường xuyên vận động tuyên truyền để huy động sự chung tay xây dựng NTM của toàn thể nhân dân trong xã. Đáng chú ý, nhờ quá trình tích cực vận động tuyên truyền, nhiều con em của quê hương sống ở mọi miền của tổ quốc đã mang tiền của, công sức về đóng góp để thực hiện xây dựng NTM. Trong suốt thời gian qua, nhiều công trình trên địa bàn xã được xây dựng từ chính nguồn vốn đóng góp của nhân dân. Trong đó, phải kể đến việc người dân góp đất để làm các dự án giao thông thủy lợi nội đồng, đường làng ngõ xóm, xây dựng trường học (tổng diện tích đất nhân dân đóng góp là 20.000 m2/200 hộ trị giá hơn 4 tỷ đồng); góp tiền mặt làm các công trình phúc lợi cá nhân (ít nhất là 25 triệu, cao nhất là 150 triệu với tổng trị giá 2 tỷ đồng); góp công làm đường làng ngõ xóm với tổng số hàng nghìn ngày công trị giá gần 5 tỷ đồng để làm ngõ xóm bê tông hóa với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm)… Các thôn vận động xã hội hóa xây dựng, trùng tu lại các công trình văn hóa, Đình, chùa, nhà Văn hóa, trị giá hàng tỷ đồng. Được sự quan tâm của Thành phố, Huyện xây dựng cầu qua sông nhuệ trị giá hơn 50 tỷ đồng.
Phong trào văn hóa văn nghệ các làng văn hóa được duy trì mỗi thôn thành lập một tổ văn nghệ, thường xuyên giao lưu văn nghệ các làng văn hóa và tổ chức các ngày lễ mừng Đảng mừng xuân và vào các ngày lễ hội của làng. Phong trào thể dục thể thao được quan tâm các thôn đều có sân vận động bóng đá và thành lập các câu lạc bộ bóng đá, tổ chức giao lưu bóng đá các câu lạc bộ và giải bóng đá toàn xã đã thu hút đông thanh niên tham gia, tạo không khí vui tươi, đoàn kết giúp cho thanh niên có sân chơi bổ ích rèn luyện sức khỏe, tránh xa tệ nạn xã hội.
Ngoài ra, nhiều hộ dân còn ủng hộ ghế đá, cây xanh trồng dọc trục đường làng, ngõ xóm tạo cảnh quan môi trường xanh – sạch – đẹp, hiện đại và văn minh.
Bây giờ, đến với xã Đông Lỗ, đi dọc trục đường dài 4km trong xã, sẽ thấy ghế đá, ao hồ kè xây, cây xanh thẳng lối tạo nên một bộ mặt xã NTM rất văn minh. Đặc biệt, xã đã vận động được nhân dân bỏ tiền của, công sức xây dựng mới và trang hoàng lại nhà cửa hàng năm ,với tổng trị giá gần 15 tỷ đồng. Đối với xã Đông Lỗ, thành công bước đầu trong xây dựng NTM tại đây chính là bài học “khơi dậy và phát huy sức dân”, làm tốt khâu “nhà nước và nhân dân cùng làm”. Điều đơn giản nhưng lại quyết định thành công chính trong quá trình xây dựng NTM tại xã Đông Lỗ được lãnh đạo chính quyền địa phương đúc rút là “lấy thôn, xóm làm đơn vị cơ sở và hộ gia đình là hạt nhân để vận động xây dựng NTM”./.